Đề xuất cơ chế khuyến khích điện mặt trời tự dùng tại nhà, công sở

Hộ gia đình, cơ quan công sở lắp điện mặt trời mái nhà để tự dùng tại chỗ sẽ được hưởng một số cơ chế khuyến khích miễn, giảm thuế, phí, vay lãi suất ưu đãi.

Bộ Công Thương vừa báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Các cơ chế khuyến khích được Bộ này đề xuất nhằm từng bước thực hiện Quy hoạch điện VIII, đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Theo đó, người dân, doanh nghiệp lắp điện mặt trời mái nhà tại nhà ở, trụ sở làm việc sẽ được miễn giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí và được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Các công sở thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, bộ, ngành sẽ được ngân sách ưu tiên bố trí vốn khi lắp đặt loại năng lượng này cho mục đích tự dùng tại chỗ.

Tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, công trình xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp trên nóc một trụ sở doanh nghiệp tại TP HCM. Ảnh: EVNHCM

Hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp trên nóc một trụ sở doanh nghiệp tại TP HCM. Ảnh: EVNHCM

Riêng cơ chế lắp điện mặt trời tự dùng tại các nhà máy, nhà xưởng sản xuất chưa được Bộ Công Thương đưa ra.

Ông Trần Hoạt, Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất may mặc tại khu công nghiệp Phú Thị (Hà Nội) cho biết đơn vị này đang tính lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà trên mái các phân xưởng để từng bước đáp ứng yêu cầu chứng chỉ xanh trong sản xuất may mặc theo yêu cầu đối tác xuất khẩu. Nhưng sau khi cơ chế trước đây hết hiệu lực từ cuối 2020, hiện chưa rõ trường hợp lắp đặt sẽ ký hợp đồng mua bán điện hay thỏa thuận nối lưới như thế nào với ngành điện.

Theo ông, đề xuất chính sách khuyến khích lần này mới dừng lại ở hộ gia đình, trụ sở làm việc, chưa mở với nhà xưởng, công nghiệp, khiến các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khi cần đạt chứng chỉ xanh trong sản phẩm, tức bắt buộc phải đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo.

Là đơn vị phát triển lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Sơn Hà cũng cho rằng nhà chức trách cần sớm đưa ra hướng dẫn, chính sách khuyến khích cụ thể cho phát triển loại hình này tại các nhà máy, khu công nghiệp. Bởi việc này sẽ giúp giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, sớm đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.

Về điều này, Bộ Công Thương cho hay trước mắt cơ quan này chọn khuyến khích phát triển loại nguồn điện tại gia đình, trụ sở công sở, doanh nghiệp theo hình thức tự dùng với công suất phù hợp, không ảnh hưởng nhiều tới vận hành hệ thống điện.

Còn cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tại nhà xưởng, doanh nghiệp sản xuất với quy mô lớn cần thời gian nghiên cứu, thẩm định. Việc này nhằm kiểm soát công suất phù hợp hệ thống, tránh gây áp lực lên lưới điện, phát triển ồ ạt.

EVN trong các kiến nghị gần đây gửi Bộ Công Thương đều kiến nghị cơ quan này sớm đưa ra cơ chế, hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới, tức tự dùng cho nhu cầu dùng điện tại chỗ của hộ gia đình. Đây cũng là một trong số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cung ứng điện 2023 và các năm tiếp theo.

Đặc tính điện mặt trời chỉ huy động tối đa công suất khi có bức xạ đủ lớn, nên tại miền Bắc lượng điện huy động từ nguồn này nhiều nhất khoảng 1.000 giờ một năm và chỉ khả dụng cao vào mùa nắng. “Cơ chế cho loại hình này cần rõ ràng tránh phát triển ồ ạt và đảm bảo khuyến khích các hộ dùng điện đầu tư”, chuyên gia Đào Nhật Đình lưu ý.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu ưu tiên và có chính sách đột phá phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân, mái công trình xây dựng, nhất là khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Từ nay đến 2030, công suất các nguồn điện loại này ước tính tăng thêm 2.600 MW, được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất với điều kiện giá hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo