Ngành thủy sản ‘đang khó khăn hơn cả thời đỉnh dịch’

Các doanh nghiệp thủy sản đánh giá, sự sụt giảm và đứt gãy đơn hàng đang trầm trọng hơn cả thời đỉnh dịch Covid-19.

5 tháng qua, xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục sụt giảm hai con số so với năm ngoái, chỉ đạt gần 3,37 tỷ USD, giảm gần 28%; lượng đơn hàng xuất khẩu giảm 20-50%, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Các doanh nghiệp trong ngành cũng phản ánh, trong khi thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu giảm mạnh, chi phí đầu vào, lãi suất ngân hàng tiếp tục tạo thêm gánh nặng.

Chính vì vậy, triển vọng thị trường lúc này và trong ngắn hạn được nhìn nhận không mấy tươi sáng. Doanh nghiệp lo lắng nguy cơ thiếu nguyên liệu (cá, tôm) trầm trọng vào đầu 2024 – thời điểm thị trường phục hồi vì người nuôi tôm đang đuối sức. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bị tổn thất lúc này có thể không gắng gượng vượt qua được.

“Các doanh nghiệp đều khẳng định tình hình khó khăn hơn cả giai đoạn đỉnh Covid-19”, VASEP cho biết.

Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu năm nay chỉ ở mức 9 tỷ USD, thấp hơn năm ngoái gần 2 tỷ USD.

Để giúp các doanh nghiệp trong ngành vượt khó, VASEP đề xuất Chính phủ “hành động ngay”. Đơn vị này đặc biệt chú trọng đến việc giảm lãi suất, vốn, tín dụng do đây là điểm nghẽn căng thẳng nhất hiện nay với ngành hàng.

Ví dụ, VASEP đề xuất Chính phủ điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VND xuống dưới 7% nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Từ quý III/2022 đến nay, lãi suất USD đã tăng mạnh từ mức 2,2-2,8% lên mức 4,1-4,9%, cá biệt, có nơi vượt 5%.

VASEP đề xuất xem xét có gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho hộ nuôi thủy sản nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận vay vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp; giãn nợ 4-6 tháng cho doanh nghiệp.

Hiệp hội cũng kiến nghị sớm có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến các doanh nghiệp xuất khẩu thực sự mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3-6 tháng nữa và quý I/2024.

“Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì treo ao”, VASEP cho biết.

Thực tế, tại hội nghị hồi tháng 4, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm, thủy sản.

Ngoài các vấn đề này, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn, VASEP kiến nghị sớm có các giải pháp cắt giảm chi phí kinh doanh thông qua chính sách thuế, phí, mức đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm đóng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo