Giá vàng tăng vọt lên trên 2.600 USD lần đầu tiên trong lịch sử do thị trường đặt cược rằng Mỹ sẽ hạ lãi suất thêm nữa và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Giá vàng giao ngay phiên thứ Sáu 20/9) tăng 1,3% lên 2.620,63 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12/2024 tăng 1,2% lên 2.646,20 USD/ounce.
Trong những ngày qua, giá vàng liên tục tăng, đặc biệt tăng tốc sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ nới lỏng mạnh mẽ chính sách tiền tệ bằng động thái hạ lãi suất nửa điểm phần trăm hôm thứ Tư (18/9), làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với vàng.
Cụ thể, trong một động thái táo bạo, ngân hàng trung ương Mỹ đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất quỹ Fed xuống mức 4,75% – 5%. Đợt cắt giảm mạnh mẽ này đánh dấu sự khởi đầu của cái mà Fed gọi là “bình thường hóa lãi suất”, với mục tiêu cuối cùng là đạt được mức lãi suất tham chiếu từ 3% đến 3,5% vào năm 2025.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự báo lãi suất tham chiếu sẽ giảm thêm nửa điểm phần trăm nữa vào cuối năm nay, 1 điểm phần trăm vào năm 2025 và nửa điểm phần trăm vào năm 2026.
“Thị trường đang tính đến việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất lớn hơn và nhiều hơn nữa vì nền kinh tế Mỹ đang chứng kiến cả thâm hụt tài chính và thâm hụt thương mại, và điều đó sẽ làm suy yếu thêm giá trị chung của đồng đô la”, Alex Ebkarian, giám đốc điều hành của Allegiance Gold cho biết. “Nếu bạn kết hợp rủi ro địa chính trị với tình trạng thâm hụt của Mỹ cùng với môi trường lợi suất thấp và đồng đô la yếu đi, thì sự kết hợp của tất cả những điều này chính là nguyên nhân dẫn đến đợt tăng giá vàng.”
Nhìn rộng ra, chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng toàn cầu, cùng với hoạt động mua vào mạnh mẽ của ngân hàng trung ương và các mối quan ngại về địa chính trị đã thúc đẩy đợt tăng giá vàng lên mức cao kỷ lục nhiều lần trong năm nay.
Giá kim loại này đã tăng 27% trong năm 2024, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ 2010, vì các nhà đầu tư có nhu cầu tìm đến vàng còn bởi một lý do khác: tìm cách phòng ngừa những bất ổn do xung đột kéo dài ở Trung Đông và những nơi khác gây ra (vàng có truyền thống được xem như một tài sản trú ẩn an toàn).
Giá có còn tăng tiếp?
Nhiều nhà phân tích cho biết đợt tăng giá kỷ lục có thể sắp sửa điều chỉnh.
Trên thực tế, đợt tăng kỷ lục đã làm xói mòn nhu cầu bán lẻ tại các quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới – Trung Quốc và Ấn Độ.
“Nguồn gốc của hoạt động mua vàng lúc này vẫn nằm ngoài tầm ngắm của chúng tôi”, vì dòng vốn ETF tương đối nhỏ và người mua châu Á vẫn đang tham gia rất ít vào thị trường, tất cả đều là dấu hiệu của “vị thế cực đoan”, Daniel Ghali, chiến lược gia tiền tệ của TD Securities cho biết.
Trung Quốc tiếp tục ngừng mua vàng trong tháng 8. Ngân hàng trung ương nước này đã dừng mua thêm từ khi giá vàng tăng lên mức kỷ lục và họ không phải là ngân hàng trung ương duy nhất dừng hoặc giảm mua vàng dự trữ khi giá tăng cao. Các ngân hàng trung ương đã từng là động lực chính thúc đẩy giá vàng trong năm nay, nhưng báo cáo quý II của WGC cho thấy các ngân hàng trung ương toàn cầu chỉ mua vào 183,4 tấn vàng, giảm 38,85% so với quý
Đợt tăng giá vàng “không nên kéo dài mãi mãi”, ngân hàng Commerzbank cho biết trong một lưu ý, trích dẫn dự đoán của họ rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất chỉ 25 điểm cơ bản tại hai cuộc họp tiếp theo của Fed.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng vàng có thể chứng kiến nhiều đợt tăng đột biến hơn nữa bởi đồng USD tiếp tục suy yếu, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, đã mang lại thêm động lực cho giá vàng tăng.
“Những rủi ro địa chính trị, chẳng hạn như các cuộc xung đột đang diễn ra ở dải Gaza, Ukraine và những nơi khác, sẽ đảm bảo duy trì nhu cầu trú ẩn an toàn của vàng”, nhà phân tích Fawad Razaqzada của Forex.com cho biết trong một lưu ý.
“Rõ ràng là sẽ còn tiếp diễn hoạt động mua vàng vào liên quan đến quyết định bắt đầu chu kỳ nới lỏng mạnh mẽ tiền tệ của Fed”, Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities cho biết.
Đó là lý do khiến các nhà giao dịch đang theo dõi chặt chẽ quỹ đạo của Fed. Đối với cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở vào tháng 11, 50,3% các nhà giao dịch dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất 50 điểm cơ bản, trong khi 49,7% dự đoán hạ 25 điểm cơ bản (tỷ lệ dự đoán gần tương đương nhau).
Do đó, các nhà phân tích cho rằng giá vàng trong trung và dài hạn sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa.
“Theo quan điểm của chúng tôi, đợt tăng giá này có thể còn tiếp tục. Chúng tôi đặt mục tiêu giá đạt 2.700 đô la/oz vào giữa năm 2025. Cùng với các động lực rủi ro trong ngắn hạn, chúng tôi dự đoán nhu cầu ở các ETF vàng sẽ tăng tốc trong những tháng tới”, ngân hàng UBS cho biết.
Tham khảo: Reuters