Ông Đỗ Quang Hiển khẳng định các dự án tỷ đô của T&T là “khả thi chứ không viển vông”

“Mong Chính phủ có cơ chế giao nhiệm vụ cho các tập đoàn tư nhân phát triển các dự án công nghệ cao, miễn là bảo đảm tuân thủ các quy định” – Ông Hiển nói.

  • 21-09-2024Tỷ phú Trần Bá Dương, Nguyễn Thị Phương Thảo kiến nghị gì với Thủ tướng?
  • 21-09-2024Chủ tịch Sun Group nói gì trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 21/9?
  • 21-09-2024Tỷ phú Phạm Nhật Vượng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ DN nhỏ tham gia công nghiệp hỗ trợ, VinFast cam kết bao tiêu một phần linh kiện
  • 21-09-2024Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói với các tỷ phú từ Vingroup, Thaco: DN lớn cần tiên phong trong việc lớn, việc khó, tạo dư địa phát triển cho các DN nhỏ và vừa
  • 21-09-2024Lãnh đạo Masan hiến kế với Thủ tướng: Hút vốn dài hạn chi phí thấp từ NĐT nước ngoài và thúc đẩy thị trường vốn ngoài ngân hàng
TIN MỚI

Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước sáng 21/9, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T đã tiết lộ lý do Tập đoàn Tập đoàn Orsted dừng đầu tư dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam (công bố vào năm 2023).

Đây là Tập đoàn Đan Mạch, lớn nhất thế giới về điện gió ngoài khơi với 25% sản lượng của thế giới. Năm 2022, Orsted đã ký biên bản ghi nhớ với với T&T Group về việc triển khai các dự án liên quan tại Việt Nam. Theo kế hoạch sẽ có 4 nhà máy điện gió ngoài khơi với tổng công suất 10.000 MW được triển khai trong 20 năm, với tổng vốn đầu tư là 30 tỷ USD.

“Họ rút bởi vì thủ tục phức tạp quá” – Ông Đỗ Quang Hiển cho biết.

Theo Chủ tịch UBCL của T&T, Orsted muốn đầu tư một tổ hợp năng lượng tái tạo theo mô hình “hub” sản xuất năng lượng để cung cấp cho Việt Nam và xuất khẩu ra châu Á, thậm chí là toàn thế giới. Orsted sẽ mời các doanh nghiệp sản xuất linh kiện đang là đối tác của chính họ đến Việt Nam tham gia tổ hợp này.

Ông Đỗ Quang Hiển khẳng định các dự án tỷ đô của T&T là "khả thi chứ không viển vông"- Ảnh 1.

Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch UBCL T&T tại Hội nghị

T&T là “tay chơi” lớn trong các liên danh có tham vọng đầu tư các siêu dự án năng lượng tại Việt Nam. Trong mảng điện gió, ngoài hợp tác với Orsted, T&T đã bắt tay cùng Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) trong ý tưởng nghiên cứu dự án điện gió ngoài khơi và khu công nghiệp xanh tại Thái Bình.

Vào tháng 7 vừa qua, Công ty SK E&S (thuộc SK Group) đã ký hợp tác với T&T Group thúc đẩy chuyển đổi dự án nhiệt điện Quảng Trị từ sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu LNG thân thiện hơn với môi trường.

Nội dung hợp tác cũng bao gồm phát triển các dự án giảm phát thải carbon thấp, trong đó có dự án sản xuất hydrogen xanh; triển khai các dự án liên quan đến tín chỉ carbon; nghiên cứu thiết lập kho LNG trung tâm (LNG Hub).

Cũng vào tháng 7 tại Quảng Trị, liên danh nhà đầu tư T&T – CIENCO 4 chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng.

Dự án này quy hoạch tích hợp 3.700 ha tổ hợp đô thị công nghiệp sân bay. Trong đó đặc biệt là khu công nghiệp chế tạo và bảo trì, bảo dưỡng phụ kiện về công nghiệp hàng không. Theo kế hoạch, trong tương lai KCN sẽ sản xuất các linh kiện hàng không từ cấp độ 1 cho đến cấp cao.

“Hiện nay, Tập đoàn đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực quan trọng với tổng trị giá hàng chục tỷ USD, nhất là dự án logistics công nghệ cao, tiên tiến tại Vĩnh Phúc nằm trong chuỗi giá trị, cung ứng nằm trong kết nối Trung Quốc và ASEAN, thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao vào đầu tư.” – Ông Đỗ Quang Hiển phát biểu.

Dự án logistics công nghệ cao tại Vĩnh Phúc là liên doanh của T&T với tập đoàn YCH của Singapore, Tập đoàn Logistic thông minh lớn trên thế giới. Ông Hiển cho biết, bước đầu dự án đào tạo là 500 nhân sự về logistics và cam kết trong vòng 10 năm sẽ chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị cho người Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tập đoàn cũng đang hợp tác với và Tập đoàn Ramky (Ấn Độ) để phát triển dự án công viên dược công nghệ cao theo mô hình kinh tế xanh tại Việt Nam.

Ông Hiển cho biết, khi T&T hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài đều có điều kiện. Thứ nhất, tuân thủ pháp luật, an ninh quốc phòng. Thứ hai, đào tạo chuyển giao công nghệ, các cấp quản lý phải chuyển giao cho Việt Nam, tối thiểu trong vòng 10 đến 15 năm. Thứ ba, muốn chuyển nhượng, tăng vốn thì phải được sự đồng ý của đối tác Việt Nam.

“Đây đều là những dự án tập đoàn đã làm, đang làm và có tính khả thi chứ không viển vông” – Chủ tịch UBCL T&T khẳng định – “Tập đoàn mong Chính phủ có cơ chế giao nhiệm vụ cho các tập đoàn tư nhân phát triển các dự án công nghệ cao, đòi hỏi công nghệ, quản trị tài chính miễn là bảo đảm tuân thủ các quy định, nhất là liên quan an ninh quốc phòng; đào tạo, chuyển giao công nghệ”.

Contact Me on Zalo