Nuôi loài này vốn đầu tư không lớn.
- 20-09-2024Khách Tây thử đặc sản chưa tới 50.000đ ở Hạ Long: Muốn ăn phải xếp hàng, nhận xét “nó thực sự hoàn hảo”
- 20-09-2024‘Sản vật trời ban’ cho Đông Nam Á đưa Việt Nam và Thái Lan bước vào cuộc đua không hồi kết: Người Trung Quốc mê không lối thoát, có thời điểm cả thế giới chỉ duy nhất nước ta có hàng
- 17-09-2024Một mặt hàng từ Israel liên tục đổ bộ Việt Nam với mức giá gây sốc: Nhập khẩu tăng hơn 3.000%, là cứu tinh của nông sản Việt
Anh Nguyễn Thế Tâm, huyện Phú Riềng – tỉnh Bình Phước, đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi dúi mốc còn mới lạ ở địa phương. Sau 5 năm gắn bó với mô hình này đã mang lại cho gia đình anh thu nhập ổn định, mở ra hướng đi mới và tạo thành phong trào khởi nghiệp từ nuôi dúi mốc cho nhiều thanh niên địa phương.
Theo Báo Bình Phước , sau nhiều năm gắn bó nghề cạo mủ cao su – thu nhập ngày càng eo hẹp, năm 2019, anh Tâm tìm hướng phát triển kinh tế mới.
Qua tìm hiểu và so sánh nhiều mô hình kinh tế khác nhau, anh Thế Tâm nhận thấy nuôi dúi mốc phù hợp hoàn cảnh gia đình, điều kiện tự nhiên tại địa phương nên đã quyết tâm thực hiện. Anh bỏ ra số vốn đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 5 cặp giống về nuôi thử nghiệm.
Dù đã tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc từ lý thuyết đến tham khảo và học hỏi kinh nghiệm thực tế nhiều mô hình ở các tỉnh như Đắk Lắk, Lâm Đồng… nhưng khi nuôi thí điểm đợt đầu, anh Tâm thất bại.
Mất số tiền đầu tư con giống ban đầu, anh không nản chí mà quyết tâm đầu tư đợt giống thứ hai với số lượng 10 cặp. Tích lũy kinh nghiệm từ lần thất bại trước và tìm ra nguyên nhân, anh điều chỉnh kỹ thuật chăm sóc, môi trường chăn nuôi phù hợp và đã thành công.
Anh Tâm chia sẻ: Đến năm thứ 2, tôi đã có kinh nghiệm hơn. Thành công lần này giúp tôi có thêm động lực, mạnh dạn đầu tư nhân đàn. Tôi xác định hướng phát triển là nuôi dúi mốc phục vụ cung cấp con giống và thương phẩm.
Năm năm nay, sau mỗi lần xuất bán dúi mốc, anh nông dân Phú Riềng duy trì và phát triển đàn với số lượng 100 cặp bố mẹ con giống, hơn 100 con dúi thương phẩm để cung cấp ra thị trường. Bình quân mỗi năm mang về cho gia đình khoảng 300 triệu đồng .
Kỹ thuật chăm sóc đơn giản, chi phí nuôi thấp chính là ưu điểm lớn nhất của loại vật nuôi này. “Thức ăn của dúi mốc là cây tre, các loại cây họ tre, thức ăn bổ sung như bắp, cỏ voi”, anh Tâm nói.
Anh cũng nói thêm: “Tôi cho dúi ăn 3 loại thức ăn chính, gồm: tre, bắp kèm với mía để cấp nước cho dúi. Mới đây, tôi đã lắp đặt hệ thống vòi nước cho dúi uống”.
Theo anh Thế Tâm, nuôi dúi mốc không khó nhưng người nuôi phải đặc biệt chú ý nhiệt độ. Do cơ thể dúi nhiều lông, nếu vượt quá 35oC thì dúi mốc dễ bị sốc nhiệt. Vì vậy, ngoài đảm bảo thức ăn thì cần làm mát chuồng nuôi, giữ nhiệt độ phù hợp với thân nhiệt của dúi.
Nuôi dúi mốc có đầu ra ổn định, đây là thực phẩm được thực khách ưa thích. Nuôi dúi vốn đầu tư không lớn, diện tích chuồng nuôi không cần quá rộng, thậm chí có thể tận dụng chuồng của vật nuôi khác đã bỏ trống.
Nuôi con dúi thế nào cho hiệu quả?
Theo bài viết trên trang của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Bình, dúi (chuột nứa) được xếp vào loại thức ăn đặc sản, thịt ngon, mát, giàu đạm. Dúi là con nuôi mới, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp (chuồng trại, con giống, thức ăn), ít nhân công, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro.
Trong tự nhiên, dúi ăn chủ yếu rễ tre và măng tre. Ngoài ra, dúi còn ăn các loại hạt, củ, quả, thân cây mía…
Khi nuôi, dúi ăn cây họ nhà tre (măng bát độ, tre, trúc, bương…) không ăn lá, cây họ nhà mía (cỏ voi, các loại mía… ) chỉ ăn phần thân cứng không ăn lá (đây là hai loại thức ăn hàng ngày bắt buộc phải có khi nuôi Dúi).
Loài này cũng ăn một số loại thức ăn khác như củ khoai lang, củ sắn, ngô (đây là phần thức ăn bổ sung cho Dúi trong quá trình mang thai và nuôi con và trong quá trình nuôi thương phẩm).
Mỗi ô chuồng rộng khoảng 50 cm, dài 0,8 – 1 m xây tường cao 70 cm bên trong tô xi măng thật láng hoặc ốp gạch men (gạch loại), nền bê tông hoặc lát gạch. Đây là chuồng thiết kế cho nuôi sinh sản, mỗi ô chuồng dùng cho một con.
Mỗi năm dúi đẻ 4 lứa, mỗi lứa 2-5 con, nuôi con rất giỏi, hao hụt ít. Nên cho dúi ăn đầy đủ và đúng khẩu phần trước, trong và sau khi sinh.
Dúi cái mang thai 45 ngày. Lúc mới ra đời dúi con không có lông và chưa mở mắt. Khoảng 15 ngày sau khi sinh dúi con mở mắt và vài tuần sau sẽ mọc lông. Sau 1 tháng ở với mẹ, dúi con trưởng thành và bắt đầu ăn được thức ăn như tre, mía…
Tuy nhiên, nên sử dụng loại tre bánh tẻ vì răng nó chưa khoẻ, lúc này nó tự sống độc lập. Sau khi tách con thì nên ngừng cho ăn một ngày và sau 3 ngày thì kiểm tra và ghép đôi với dúi đực.
Bài viết đặc biệt lưu ý hiện tượng dúi sau khi sinh ăn thịt con của mình . Do nhiều nguyên nhân, có thể do con dúi mẹ bị sốc về mặt tâm lý, có thể là do người nuôi tác động vào chuồng dúi quá sớm ngay sau khi dúi đẻ xong hoặc cũng có thể người lạ vào chuồng nên dúi mẹ đã ăn thịt dúi con.
Để khắc phục, trong thời kỳ dúi sinh đẻ, ít nhất sau khi đẻ 3 ngày mới nên sờ vào dúi và cũng hạn chế để người lạ tiếp xúc với chuồng nuôi.
Có thể do có chuột vào trong chuồng dúi nên dúi mẹ đã lầm tưởng dúi con là chuột nên đã tấn công. Thực hiện che chắn chuồng nuôi cho chắc chắn và kín đáo hơn để các con vật khác không xâm nhập vào chuồng dúi.
Thứ ba, có thể dúi mẹ bị thiếu canxi, cần bổ sung canxi cho dúi bằng cách cho dúi ăn thêm xương trâu, xương bò.