Nhiều địa phương thời gian qua đã xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông, trong đó có vi phạm nồng độ cồn.
- 19-09-2024Kiểm điểm chủ tịch phường vi phạm nồng độ cồn, “giấu” nơi công tác
- 18-09-2024Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn
- 21-08-2024Thủ tướng Chính phủ: Xử lý vi phạm nồng độ cồn không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị 35/2024 về xử lý cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) và chiến sĩ lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Còn nhiều cán bộ vi phạm
Theo Chỉ thị 35, thời gian qua, một bộ phận CB-CC-VC và chiến sĩ lực lượng vũ trang vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Một số trường hợp gây tai nạn giao thông, làm chết người rồi bỏ trốn khỏi hiện trường hoặc chống đối lực lượng chức năng.
Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, thông tin thời gian qua, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý nghiêm đối với nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sĩ vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Đồng thời, cấm tuyệt đối việc can thiệp vào quá trình xử lý của lực lượng CSGT.
“Sau thời gian triển khai quyết liệt, tình hình cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn đã giảm mạnh. Từ đầu năm 2024 đến nay, CSGT Đắk Lắk phát hiện, xử lý 35 cán bộ, đảng viên vi phạm. Riêng với cán bộ, chiến sĩ công an, nếu vi phạm nồng độ cồn thì ít nhất sẽ bị kỷ luật khiển trách” – thượng tá Tuấn cho hay.
Tại Gia Lai, ông Đoàn Hữu Dũng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết vẫn còn một số trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông, làm ảnh hưởng đến hình ảnh cán bộ trong mắt người dân. Điển hình, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi, TP Pleiku – khi bị CSGT lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi điều khiển xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn, đã khai báo làm nghề “tự do”.
Một trường hợp khác là ông Nguyễn Hồng Phong, cán bộ Đội CSGT – Trật tự Công an huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai điều khiển ô tô lưu thông trên Tỉnh lộ 663 khi đã sử dụng chất kích thích và tông tử vong người phụ nữ đi bộ bên lề đường. Ông Phong sau đó bị tuyên phạt 18 tháng tù.
Tại TP Đà Nẵng, trong 9 tháng đầu năm nay, các lực lượng cũng đã xử lý 13.494 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, khẳng định tất cả người vi phạm đều bị xử lý như nhau, nhất là cán bộ, đảng viên càng phải gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành pháp luật.
Xử lý “không có vùng cấm”
Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 35, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã giao các cơ quan quản lý cán bộ xử lý nghiêm theo quy định đối với trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chống đối lực lượng chức năng.
Việc xử lý phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm của CB-CC-VC. TP Hà Nội chỉ đạo xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ hoặc xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao Giám đốc Công an TP Hà Nội chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương trong quá trình tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về giao thông phải tuân thủ tinh thần thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm; kỷ luật nghiêm cán bộ không xử lý triệt để, bỏ qua lỗi vi phạm.
Đại úy Đào Văn Hùng, Đội CSGT Đường bộ số 3 – Phòng CSGT TP Hà Nội, cho biết ngay sau khi Chỉ thị 35 được ban hành, đơn vị đã tổ chức tuần tra, kiểm soát, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn với đúng tinh thần chỉ đạo. Nếu người vi phạm nồng độ cồn là CB-CC-VC, không hợp tác với lực lượng CSGT, đơn vị sẽ báo về cơ quan, đơn vị quản lý để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Thượng tá Bùi Trọng Tuấn nhận xét Chỉ thị 35 đã cụ thể hóa việc kiểm điểm, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang vi phạm về nồng độ cồn. Đồng thời, gắn trách nhiệm của từng cấp ủy, cơ quan, đơn vị, thủ trưởng đơn vị trong việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên. Từ đó, cấp ủy, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để cán bộ, đảng viên vi phạm mà không có biện pháp giáo dục.
Đại diện Cục CSGT cho biết thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT trên cả nước vẫn kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục, kể cả ngày nghỉ. Việc này nhằm tạo nền nếp, thói quen cho người tham gia giao thông trên tinh thần “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Trong thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy.
“Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều được quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm, không xin xỏ, không can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn. Cùng với đó, tổ chức xác minh các trường hợp vi phạm là cán bộ, đảng viên và gửi thông báo về cơ quan, đơn vị họ để xử lý nghiêm” – đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu
Ngày 22-9, tại Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh Bắc Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị sơ kết 1 năm xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” do Tỉnh ủy Bắc Ninh và Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp tổ chức.
Theo Thủ tướng, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm đã giảm sâu so với các năm trước. Các hành vi vi phạm giao thông được xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ.
Đánh giá cao sáng kiến của Bộ Công an về triển khai thí điểm mô hình “Tỉnh an toàn giao thông” khi góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức, văn hóa và kỹ năng tham gia giao thông, Thủ tướng cũng lưu ý CB-CC-VC, đảng viên phải gương mẫu, tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện quy định về trật tự an toàn giao thông.
B.Trân